Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” do CLB Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức ngày 26-12, ông Hidetaka Shiraishi, Giám đốc cấp cao tiếp thị và triển khai 5G trên toàn cầu của Huawei Technologies, nhấn mạnh 5G trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Thời điểm chín muồi
Ông Hidetaka Shiraishi phân tích hiện nay dữ liệu được truyền đi không còn được đo bằng Megabits mỗi giây mà bằng Gigabits mỗi giây. Và điều này đã ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với người tiêu dùng băng thông rộng di động mà còn đối với các ngành công nghiệp như thương mại điện tử, sản xuất truyền thống và logistics…
Đáng chú ý, 5G đã góp phần quan trọng thay đổi hành vi của khách hàng. Trong vòng 3 năm, doanh thu từ các thuê bao trả sau tăng từ 21% lên 53%. 5G cũng đã cho phép các nhà khai thác cung cấp các dịch vụ mới cho các ngành công nghiệp hướng tới khách hàng doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực logistics, bệnh viện thông minh, giải trí, du lịch, giao thông, thành phố thông minh, khai thác mỏ…
Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện – Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cho biết hiện nay các quy định pháp luật đã đầy đủ và hoàn thiện để triển khai đấu giá 5G. Dự kiến tháng 1-2024, Bộ TT-TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá băng tần 5G tầm trung (mid band) để DN nắm bắt và tham gia. Dự kiến đợt đấu giá sẽ kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3-2024. Việc cấp phép băng tần 5G bằng hình thức đấu giá là để bảo đảm tính cạnh tranh, tạo lập thị trường viễn thông di động hài hòa và phát triển bền vững. Theo thống kê của Hiệp hội Di động toàn cầu, trên thế giới có 71% các mạng 5G đã triển khai nằm ở băng tần tầm trung này. “Về quy hoạch, đã có các băng tần khác cho 5G như băng tần thấp 700MHz, băng tần cao 26GHz, đó là những băng tần trong tương lai Việt Nam sẽ xem xét để cấp phép cho 5G” – bà Hiền nói.
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Công nghệ dịch vụ Cục Viễn thông – Bộ TT-TT, cho hay hạ tầng 5G khác với hạ tầng 3G, 4G vì 5G giống như hạ tầng mở có nhiều nhà phát triển để triển khai các ứng dụng trên hạ tầng đó. Vì vậy, nếu DN không trúng thầu thì vẫn còn cơ hội được phát triển nền tảng này vì Luật Viễn thông lần đầu tiên có quy định về khái niệm “bán buôn”, DN hạ tầng phải mở mạng cho sự phát triển của các ứng dụng, dịch vụ, sản phẩm số. Cụ thể, đối với DN không có băng tần vẫn có thể kết hợp với DN trúng thầu để cung dịch vụ giúp ích cho phát triển kinh tế – xã hội. Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, cho rằng công nghệ 5G đã thương mại hóa ở nhiều nước trên thế giới. Việc chọn thời điểm để Việt Nam thương mại hóa 5G vào năm 2024 là rất phù hợp với xu hướng tất yếu của thông tin di động hiện nay.
Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực đồng quan điểm Việt Nam dự kiến thương mại hóa 5G vào năm 2024 là thời điểm chín muồi khi thị trường đã tương đối sẵn sàng. Ông Trực lý giải thời điểm này đã có lượng khách hàng DN nhất định như y tế, dầu khí, giao thông, thành phố thông minh.
Tạo cao tốc trên không gian mạng
Ông Lê Việt Phú, Chủ nhiệm ICT Press Club, cho biết theo tính toán của các nhà cung cấp, dự báo đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỉ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3% đến 7,4% do công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của DN.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Công nghệ – Tập đoàn VNPT, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ góp phần thay đổi toàn bộ cách sống, làm việc và sản xuất trong xã hội. VNPT sẽ chuyển từ telco (công ty viễn thông) thành techco (công ty công nghệ), mở ra các mô hình kinh doanh mới, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Lê Mai Sơn, Phó Ban Truyền thông Công ty MobiFone, 5G như là con đường cao tốc mới, vì vậy MobiFone xác định 5G rất quan trọng, mang tính chiến lược trong ngắn và dài hạn, là điểm nhấn trong việc hoạch định tương lai, phân bổ nguồn lực. Trên hạ tầng này, MobiFone sẽ phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, các dịch vụ B2B, B2C, các mạng riêng… hoặc các dịch vụ đòi hỏi độ trễ thấp như game ảo, quản trị số lượng điểm kết nối lớn… Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Di động – Viettel Telecom, đánh giá 5G không chỉ là đường cao tốc mới mà còn cung cấp các tiện ích giải trí, công nghệ cho người lái xe trên con đường đó”.
Bình chọn 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2023
Cùng ngày, tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, ICT Press Club đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm được đề cử và lựa chọn bởi hơn 50 nhà báo chuyên mảng ICT. Cụ thể:
1. Quốc hội thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi); 2. Chuẩn hóa thông tin cho hàng triệu thuê bao; 3. Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử.
4. Nhiều tập đoàn bán dẫn khai trương nhà máy sản xuất tại Việt Nam; 5. Bùng phát lừa đảo trên không gian mạng; 6. Lần đầu tiên kiểm tra mạng xã hội TikTok ở Việt Nam; 7. Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược Chuyển đổi số báo chí; 8. FPT cán mốc doanh thu 1 tỉ USD xuất khẩu phần mềm; 9. Bỏ đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online; 10. Khánh thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam tại Hòa Lạc.
Công nghệ | Báo Người Lao Động Online
Nguồn: Sưu Tầm internet
Trả lời