Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 mới đây đã vinh danh PGS-TS Trần Mạnh Trí (sinh năm 1981), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, ở hạng mục giải thưởng chính với cụm 3 công trình công bố trên các tạp chí khoa học thuộc tốp 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gien.
Từ học trò nghèo đến nhà khoa học
Quê ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, năm lớp 9, cậu học trò nghèo được gia đình đồng ý cho lên thị xã Tuyên Quang (nay là TP Tuyên Quang) để học tập. Anh được các thầy cô truyền cho niềm đam mê với môn hóa, để rồi quyết định thi vào lớp chuyên hóa của Trường THPT chuyên Tuyên Quang.
Năm lớp 12, Mạnh Trí giành giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Mong ước thi đậu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vì lý do… không phải đóng học phí, thế nhưng cuộc đời có muôn vàn ngã rẽ và cơ hội, Trí lại đỗ vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, học thạc sĩ rồi tiến sĩ ngành hóa hữu cơ tại đây, PGS-TS Trần Mạnh Trí đã có nhiều năm gắn bó với ngôi trường này.
PGS-TS Trần Mạnh Trí cho biết hướng nghiên cứu của anh thời gian qua tập trung vào phát triển các phương pháp phân tích và quan trắc các hợp chất hữu cơ trong những đối tượng mẫu khác nhau; nghiên cứu đánh giá rủi ro phơi nhiễm các hợp chất hữu cơ qua những con đường phơi nhiễm khác nhau; nghiên cứu quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ bền vững trong các mẫu môi trường và sinh học.
Hiện nay, các phương pháp phân tích chính xác và hiệu quả, những hiểu biết về nguồn gốc phát tán, độc tính và rủi ro do các hóa chất EDCs trong môi trường vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, hướng nghiên cứu của PGS-TS Trần Mạnh Trí thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.
Anh là một trong những nhà khoa học tiên phong, đề xuất ý tưởng và xây dựng hướng nghiên cứu này với trên 20 công trình đăng trên tạp chí WoS. Các công trình của anh đều được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao, thể hiện qua số trích dẫn bởi các nhà khoa học và tạp chí uy tín. Riêng với 3 công trình tiêu biểu nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu lần này, tính đến nay đã có trên 90 trích dẫn.
Giải quyết vấn đề cấp bách toàn cầu
Năm 2014, PGS-TS Trần Mạnh Trí nhận bằng độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ với công trình “Thiết bị tái chế và thu hồi chất thải công nghiệp nguy hại”. Năm 2015, anh là chủ nhân Giải thưởng dành cho các nhà hóa học trẻ mới khởi nghiệp tại Hội nghị Hóa học thế giới lưu vực Thái Bình Dương tổ chức tại Hawaii – Mỹ. Năm 2020, PGS-TS Trần Mạnh Trí lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tuy nhiên may mắn chưa mỉm cười với anh.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 vinh danh PGS-TS Trần Mạnh Trí ở hạng mục giải thưởng chính với cụm 3 công trình công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gien.
Theo PGS-TS Trần Mạnh Trí, những nghiên cứu này góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp. Đã có ý tưởng về đề tài từ năm 2017 nhưng phải đến năm 2019 – 2021, anh mới cùng nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập mẫu tại khu vực Hà Nội và lân cận một cách bài bản, công phu.
Nội dung chính của cụm 3 công trình nghiên cứu là phát triển các phương pháp phân tích chính xác các hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết mới nổi, nhóm phthalate và siloxane trong môi trường không khí và nước, dựa trên các thiết bị phân tích chính xác và hiện đại.
Phthalate và siloxane được biết đến là các phụ gia được sử dụng rất phổ biến với hàm lượng lớn (lên tới vài phần trăm khối lượng). Nó được dùng phổ biến trong các vật liệu bằng nhựa, vật dụng gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, dược phẩm, thẩm mỹ… Ngay tại nhà, các hóa chất này có thể phát tán trong không khí, con người có thể hấp thu khi hít thở. Còn với đường nước uống, nếu không có giải pháp loại bỏ, người dùng cũng có thể hấp thu các hóa chất này.
Qua thí nghiệm trên động vật, đã có những bằng chứng cho thấy phthalate và siloxane có độc tính, có thể làm thay đổi hệ nội tiết, hormone sinh sản (estrogen), hormone sinh trưởng và hệ vận động của động vật.
Không ngại thất bại
Chia sẻ bí quyết thành công, PGS-TS Trần Mạnh Trí cho rằng đó là sự quyết tâm. Anh luôn đặt ý chí, quyết tâm ở trạng thái cao nhất để vượt qua thử thách. Quan điểm của nhà khoa học này là có thất bại mới có thành công, vì vậy anh không ngại thất bại.
Chủ nhân Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 cũng bày tỏ anh may mắn nhận được tình yêu thương của các thầy cô Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đặc biệt là GS-TSKH-NGND Nguyễn Đức Huệ – người đem đến cho anh nguồn cảm hứng, sự say mê nghiên cứu khoa học.
Tin Tức Công nghệ
Nguồn: Sưu Tầm internet
Trả lời