Trong bối cảnh, bán hàng qua video và livestream (phát trực tiếp) đang thịnh hành hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp lớn nhỏ đều buộc phải nương theo xu hướng này nếu muốn tồn tài và phát triển. Ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất các video định kỳ để phục vụ việc bán hàng, diễn viên thường là nhân sự trong công ty, thậm chí là chủ doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Lê Khánh Hoàng là chủ 2 thương hiệu EcomStudio và Dừa Sáp Ông Hoàng, đồng thời là người thường xuyên livestream bán hàng và xuất hiện trong các video của kênh.
Anh Hoàng cho biết cột mốc giúp anh trở nên tự tin trước ống kính là cách đây 8 năm. Khi đó, anh đang bán dừa sáp online thì nhận được hàng loạt phàn nàn của khách về chất lượng sản phẩm. Do nhân sự mỏng không thể gọi điện cho từng khách hàng nên anh quyết định livestream xin lỗi khách. Buổi livestream không những giải quyết được sự cố mà còn giúp anh lấy lòng được khách hàng mới với 50.000 lượt xem và đơn hàng đổ về dồn dập.
Từ thành công đó, anh Hoàng xuất hiện trên các kênh nhiều hơn. “Mình là chủ doanh nghiệp thì không nên diễn xuất nhiều, làm sao để hình ảnh chân thực nhất có thể nhằm tạo niềm tin cho người xem. Các video chúng tôi thực hiện có thể lượt xem ít hơn các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp nhưng tỉ lệ chuyển đổi thành đơn hàng khá cao” – anh Hoàng đúc kết.
Cũng theo anh Hoàng, nhiều người muốn làm video nhưng ngần ngại vì không hoạt ngôn – điều này có thể khắc phục bằng việc thường xuyên đọc sách để bổ sung vốn từ. Một số người chưa biết tương tác với ống kính nên xuất hiện trên video thiếu tự tin, đặc biệt là ánh mắt – điều này cũng có thể khắc phục nếu chịu khó tập luyện thì sẽ vượt qua.
Còn anh Vũ Hùng Anh, đang sở hữu 2 kênh Tiktok “Tạp Hóa Hồng Kông 1968” và “Chìa khóa độc lạ Việt Nam” đang nổi lên với vai trò nhà sáng tạo nội dung độc lạ khi có giọng nói giống như phim cổ trang và mang trang phục của các diễn viên, cũng xuất phát là chủ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hùng Anh cho biết ban đầu anh chưa xuất hiện trong các video mà chỉ lồng tiếng theo kiểu phim cổ trang Hồng Kông (Trung Quốc) và được người xem khen ngợi và động viên anh lộ diện. Nhờ đó, anh có động lực để livestream và làm video dù ban đầu tuy hơi “sượng” nhưng dần dần cũng quen, các clip ngày càng “mượt”.
“Không chỉ lượt xem cao mà đơn hàng đổ về nhiều đã tạo “mood” (cảm hứng) để mình sáng tạo thêm nhiều cách livestream và làm video hấp dẫn hơn” – chủ kênh Tạp Hóa Hồng Kông 1968 nói.
Từ cuối năm 2023, Hùng Anh bước vào con đường làm nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, ngoài bán hàng cho thương hiệu của mình, anh còn bán hàng cho các nhãn hàng khác, giúp Hùng Anh có thu nhập tốt hơn hẳn so với việc làm công ăn lương trước đây.
“Bathucfood” – kênh bán hàng của Công ty TNHH Ba Thức Food (TP HCM) chuyên cung cấp sỉ và lẻ đặc sản vùng miền, nổi bật là sản phẩm bò khô năm qua nổi lên như một nhà bán hàng thành công trên Tiktok shop. Anh Phan Minh Thức, đồng sáng lập công ty, cho biết anh và vợ là giám đốc công ty đã bắt đầu tham gia đóng các tiểu phẩm đăng tải trên mạng xã hội từ cuối năm 2021.
“Trước đó, chúng tôi đã kinh doanh online nhưng liên tiếp gặp thất bại và nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội nên quyết định không đứng sau thương hiệu nữa mà xuất hiện song hành cùng thương hiệu” – anh Thức kể.
Khi đó, vợ chồng nhà Ba Thức Food gặp phải trở ngại lớn từ định kiến xã hội, gia đình, bạn bè bởi kinh doanh online thời đó có vẻ gì đó thấp kém so với doanh nhân truyền thống hay đi làm thuê những công việc được xã hội trọng vọng.
Đến hiện tại, khi công ty phát triển, chủ doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm nên thiếu thời gian để thực hiện các video. Để giải quyết vấn đề mới này, anh Thức đang tích cực đào tạo các nhân tố mới trong công ty để thực hiện livestream, diễn xuất trong các video để giảm tải công việc cho chính mình.
Cần phòng ngừa rủi ro
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), cho biết các chủ doanh nghiệp trực tiếp xuất hiện trong các video chủ yếu sở hữu doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp bởi lý do đơn giản là chi phí rẻ. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp là người hiểu nhất về sản phẩm nên thích hợp để làm đại diện hình ảnh.
“Trường hợp chủ doanh nghiệp không thể là diễn viên chính thì nên để người có cổ phần hoặc người nhà chủ doanh nghiệp làm đại diện hình ảnh. Bởi lẽ, hợp tác với người ngoài thường dễ dẫn đến tình huống khi người đó “đủ lông đủ cánh” sẽ bỏ đi, gây thiệt hại lớn cho công ty.
Cần tránh việc tập trung xây dựng hình ảnh cá nhân cho một người mà cần xây dựng đội ngũ 3-4 để không bị động, khi ai đó rời đi sẽ có người thay thế” – ông Tấn khuyến cáo.
Công nghệ | Báo Người Lao Động Online
Nguồn: Sưu Tầm internet
Trả lời