Ngay trên ứng dụng VNeID, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an đã ghi rõ: “Ứng dụng định danh điện tử có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống…”. Và trong VNeID có mục “Ví giấy tờ” để ứng dụng này có vai trò như một ví giấy tờ số – nơi công dân lưu giữ các loại giấy tờ tùy thân.
Tuy nhiên, sau hơn một năm ra mắt (từ ngày 18-7-2022), việc sử dụng VNeID vẫn còn nhiều rối rắm và vướng mắc.
Chẳng hạn, việc tích hợp giấy phép lái xe (GPLX) vào VNeID rất khó khăn do chưa hoàn toàn đồng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) GPLX. Theo Cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải, hệ thống quản lý CSDL GPLX của cục đang quản lý trên 8,8 triệu GPLX ô tô và trên 46,7 triệu GPLX xe máy. Cơ quan chức năng đã xác thực thành công và hiển thị đầy đủ trên hệ thống VNeID 31,3 triệu GPLX các loại. Dù vậy, hiện nay, người lái xe khi lưu thông vẫn phải mang theo bản gốc của GPLX, giấy đăng ký xe. CSGT vẫn chưa thể chấp nhận GPLX trên VNeID vì vướng luật. Khoản 2 điều 58 Luật Giao thông đường bộ hiện vẫn bắt buộc người dân mang theo GPLX giấy khi điều khiển phương tiện giao thông.
Thậm chí, điều này cũng chưa thể thực hiện cho dù Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định quy trình tuần tra, kiểm soát của CSGT, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2023. Điểm a, khoản 2 điều 12 của thông tư này quy định: “Khi các CSDL đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ”. Có lẽ, vẫn phải chờ cho tới khi luật mới được thông qua.
Tại dự thảo lần thứ 4 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến, điều 33 quy định: Người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông phải mang giấy đăng ký xe, GPLX… Trường hợp thông tin các loại giấy tờ trên đã đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID thì không phải mang theo. Theo lịch trình, dự thảo luật này sẽ được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7 (năm 2024).
Từ việc tích hợp GPLX vào ứng dụng VNeID cho thấy việc triển khai các quy trình, thủ tục mới trong tiến trình xây dựng chính phủ số sẽ phát sinh nhiều vướng mắc. Chủ yếu từ sự đồng bộ hóa CSDL giữa các ngành với CSDL quốc gia, các luật định từ các văn bản pháp quy khác mà thậm chí có khi phải sửa luật hiện hành. Vì vậy, cần một “tổng tư lệnh” gấp rút gỡ những bất cập làm chậm tiến trình chuyển đổi số để sớm đưa tiện ích của VNeID đi vào cuộc sống.
Tổng hợp tin tức – Công nghệ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet
Trả lời