Chị Nguyễn Châu Linh – CEO Tập đoàn Hành trình Kim cương, người đồng sáng lập dự án ngân hàng di sản số DJC – cho biết chị cùng các cộng sự mất hơn 3 năm chỉ để hoàn thiện ứng dụng một cách cơ bản và đang từng bước chạy các nội dung chính. Đây là dự án nền tảng mở đầu cho hệ sinh thái các thư viện số dành cho các dòng họ của Việt Nam, trường học, doanh nghiệp…, được chị ấp ủ triển khai trong giai đoạn 2020-2030.

Đưa thông tin dòng họ lên nền tảng số

Nguyễn Châu Linh kể sau khi tốt nghiệp đại học, chị có thời gian ngắn làm việc cho tập đoàn nước ngoài, sau đó giảng dạy tại trường đại học. Chị nhận thấy nội dung học tập của sinh viên chưa có nhiều màu sắc. Đa phần sinh viên không hứng thú với lịch sử dân tộc, văn hóa Việt Nam.

Chị Linh quyết định rẽ hướng sang xây dựng một nền tảng phục vụ học tập có ích cho xã hội. “Loại hình thư viện online không còn xa lạ nhưng làm sao để người dùng tìm đến DJC mỗi ngày mới là điểm khác biệt mà chúng tôi theo đuổi” – người sáng lập DJC cho hay.

Bên cạnh phiên bản website, DJC còn phát triển phiên bản app (ứng dụng). Với giao diện app, thư viện đã tích hợp nhiều tài nguyên, đa tài liệu dưới các dạng Ebook, Audiobook, Videobook, Slidebook… Việc tích hợp không chỉ mang lại trải nghiệm đa chiều mà còn giúp người khiếm thị, khiếm thính tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn.

Đáng chú ý, một hệ thống thông tin về lịch sử các dòng họ của Việt Nam đã được đưa lên nền tảng số này. Điểm khác biệt của DJC là cung cấp nền tảng chuyên nghiệp, đồng bộ để các dòng họ lưu trữ thông tin. Từ đó, hình thành bức tranh tổng về lịch sử dòng họ của Việt Nam để thế hệ tương lai có thể tra cứu, tìm hiểu.

“Chúng tôi đã xây dựng thư viện cho 3 dòng họ lớn của Việt Nam là Nguyễn, Vũ – Võ và Huỳnh – Hoàng. Học sinh, sinh viên có thể học lịch sử dòng họ thông qua những bài viết, hình ảnh, video sinh động. Giáo viên có thể kết hợp thông tin có sẵn trên nền tảng với những phần giao lưu, trò chơi nhỏ để giúp học sinh dễ dàng nhớ kiến thức hơn” – chị Linh giới thiệu.

Nỗ lực xây thư viện số toàn năng - Ảnh 1.

Nền tảng Thư viện số 100 năm nhận được phản hồi tích cực sau khi ra mắt

Nỗ lực xây thư viện số toàn năng - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Châu Linh – CEO Tập đoàn Hành trình Kim cương, người đồng sáng lập Thư viện số 100 năm

Hướng đến hệ sinh thái giáo dục toàn diện

Đặt mục tiêu đưa “đứa con tinh thần” trở thành một hệ sinh thái số phục vụ giáo dục và truyền thông ở Việt Nam, chị Nguyễn Châu Linh cho biết đội ngũ nghiên cứu đang nỗ lực mang đến phiên bản đa dạng thông tin trong nước và thế giới.

Trên nền tảng này, các trường học, công ty, doanh nghiệp, cá nhân có thể thành lập thư viện riêng. Ngoài ra, người sử dụng có thể đăng ký, tìm hiểu các khóa học liên kết trên ứng dụng. Với việc tập trung vào giải pháp số hóa thư viện, nền tảng này còn cung cấp các dịch vụ trọn gói từ biên tập, thiết kế, truyền thông cho đối tác và trao quyền quản lý độc lập cho đối tác.

Ở giai đoạn tiếp theo, nền tảng sẽ ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và blockchain (công nghệ chuỗi khối) để cá nhân hóa lộ trình người dùng. Ví dụ, học sinh sẽ cần thông tin tư vấn, định hướng để tìm được trường đại học và ngành học phù hợp; người đã đi làm cần thông tin, lộ trình để phát triển công việc.

Người đồng sáng lập DJC kỳ vọng trong 10 năm tới, nền tảng này nói chung và 4 kho thông tin nói riêng, gồm quốc hiệu, thương hiệu, tộc hiệu, nhân hiệu, sẽ có tác động tích cực với đời sống, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Đánh giá cao ý tưởng của dự án, luật sư Hoàng Long Vân, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử dòng họ TP HCM, nêu khó khăn cốt lõi đối với đội ngũ xây dựng nền tảng là làm sao để tạo thói quen tìm hiểu, sự yêu thích với lịch sử của giới trẻ.

“Dự án đã tiếp cận và thu thập thông tin từ hơn 200 gia phả của các dòng họ lớn. Không chỉ bảo đảm chất lượng thông tin, việc thiết kế giao diện bắt mắt, hiện đại là chìa khóa thu hút nhiều người tò mò, quan tâm, tìm hiểu” – ông Vân góp ý. 

Tập trung vào nhóm người dùng là trẻ em

Chị Nguyễn Châu Linh cho biết nền tảng tập trung vào đối tượng trẻ em (từ tiểu học trở xuống). Đây được xem là giai đoạn vàng để giáo dục, phát triển tư duy và đam mê.

“Muốn trẻ hứng thú với học tập, trước hết phải tạo hứng thú qua từng bài giảng. Các bài viết được chúng tôi biên tập cô đọng, tăng sử dụng hình ảnh. Phụ huynh có thể sử dụng bài trình chiếu trên nền tảng để hướng dẫn cho trẻ học tại nhà” – chị Linh cho hay.

Bài và ảnh: HUẾ XUÂN